CÁC DẠNG BÀO CHẾ THUỐC < Phần 1>

CÁC DẠNG BÀO CHẾ THUỐC < Phần 1>

I. DẠNG BÀO CHẾ:

Dạng bào chế (Dạng thuốc – Dosage form) là sản phẩm cuối cùng của quá trình bào chế, trong đó dược chất được pha chế và trình bày dưới dạng thích hợp để đảm bảo an toàn, hiệu quả, thuận tiện cho người dùng, dễ bảo quản và giá thành hợp lý.

VD: Chloramphenicol là dược chất có vị đắng khó uống. Người ta bào chế thành dạng viên nén, nang cứng hoặc hỗn dịch để hạn chế vị đắng, làm cho người bệnh dễ tiếp nhận thuốc, nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc.

Dạng bào chế bao gồm: Dược chất và Tá dược + Bao Bì

 

II. VÌ SAO MỘT LOẠI THUỐC CÓ NHIỀU DẠNG BÀO CHẾ KHÁC NHAU?

Để đảm bảo phát huy tối đa tác dụng điều trị của dược chất khi dùng, dạng thuốc được thiết kế bao gồm 3 thành phần nêu trên, và ngoài ra, dựa trên nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng, nhà bào chế quyết định dạng thuốc bào chế. Các yếu tổ bao gồm:

  • Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giải phóng và hấp thu của dược chất trong cơ thể người bệnh như: đường dùng, lứa tuổi, tình trạng bệnh....

VD: Thuốc giảm đau, hạ sốt chứa thành phần paracetamol có các dạng bào chế khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân: Dạng thuốc siro, dạng thuốc bột sủi bọt pha dung dịch, dạng thuốc viên đặt hậu môn trực tràng dành cho bệnh nhân nhi, sơ sinh hoặc người khó nuốt viên thuốc. Dạng thuốc tiêm, truyền dành cho bệnh nhân cần hạ sốt giảm đau nhanh và tình trạng bệnh nặng, không có khả năng uống. Dạng thuốc viên nén sủi bọt có tác dụng hòa tan nhanh thành dung dịch thuốc giúp hấp thu nhanh hơn và tác dụng nhanh hơn dạng thuốc viên nén thông thường.

  • Tính chất lý hóa của dược chất cần lựa chọn tá dược, kỹ thuật bào chế, bao bì phù hợp nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của dạng thuốc.

Tetracyclin hydroclorid nếu dập viên với tá dược dicalci phosphat, khi uống, tác dụng của tetracyclin sẽ bị giảm do tạo phức ít tan với dicalci phosphate, dẫn đến giảm hấp thu thuốc.

Vỏ đựng thuỷ tinh kiềm có thể làm kết tủa dược chất là muối ancaloid trong thuốc tiêm. Một số tạp chất trong lọ nhựa đựng dung dịch thuốc nhỏ mắt có thể làm tăng quá trình phân huỷ dược chất có trong dung dịch.

Theo quan điểm của bào chế học hiện đại, thiết kế dạng thuốc là khâu quan trọng quyết định chất lượng của dạng thuốc. Khi thiết kế dạng thuốc, phải xem xét mối tương quan giữa các thành phần trong dạng thuốc dưới sự tác động trực tiếp của kỹ thuật bào chế nhằm tìm ra phương án tối ưu cho từng sản phẩm. Kỹ thuật bào chế luôn luôn được đổi mới và hoàn thiện nhằm phát huy tối đa tác dụng của dược chất trong cơ thể và tạo ra những dạng thuốc mới có hiệu quả điều trị cao.

 III.CÁC DẠNG BÀO CHẾ THUỐC

Theo thể chất:

  • Các dạng thuốc thể rắn (thuốc bột, thuốc viên)
  • Các dạng thuốc thể mềm (thuốc cao, thuốc mỡ, gel)
  • Các dạng thuốc thể lỏng (dung dịch, hỗn dịch, nhũ dịch, xiro)

Theo đường dùng:

  • Các dạng thuốc uống (viên, bột, dung dịch, nhũ dịch, hỗn dịch)
  • Các dạng thuốc tiêm (dung dịch, hỗn dịch, nhũ dịch, bột pha tiêm, dịch truyền)
  • Các dạng thuốc dùng ngoài (thuốc bôi trên da, thuốc nhỏ lên niêm mạc, thuốc súc miệng)
  • Các dạng thuốc đặt vào các hốc tự nhiên trên cơ thể (thuốc đặt hậu môn, thuốc noãn đặt âm đạo...) 

***Bài viết được tổng hợp từ Wiki, Sách Kỹ Thuật Bào Chế Sinh Dược Phẩm của Bộ Y Tế và một số nguồn tin đáng tin cậy khác.